Trong khi đó ông Lê Công Tâm, trưởng phòng điều hành bến xe miền Tây, cho biết lượng khách ngày 4/2 đạt khoảng 27.000 lượt. Theo thống kê trong bốn ngày phục vụ tết (từ 20 đến 24 tháng chạp), lượng khách đến bến xe miền Tây giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Đến thời điểm này, các bến xe tại TP.HCM lượng khách vẫn chưa đông lắm, khác hẳn hình ảnh chen chúc của mọi năm. Lượng khách giảm đều ở tất cả bến xe. Tuy nhiên, nhiều nhà xe “vô tư” tăng giá bất chấp quy định của Nhà nước.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 4/2, xe khách đã tấp nập nối đuôi nhau từ TP.HCM về miền Trung và miền Bắc.
Ít xe nhồi nhét khách
Tại địa phận tỉnh Đồng Nai, qua tuần tra kiểm soát ở chốt kiểm tra đặc biệt trước Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, lực lượng CSGT không phát hiện nhiều xe chở quá số người quy định. Một số ít xe vi phạm chỉ chở vượt 1-3 người hoặc không có nhân viên phục vụ.
Sau khi kiểm tra đúng trình tự quy trình, hầu hết các xe khách đều được lực lượng CSGT giải quyết nhanh để tiếp tục cuộc hành trình. Theo một tài xế xe chất lượng cao tuyến TP.HCM đi Quảng Ngãi, năm nay lượng khách về quê ít cộng với các hãng xe phải cạnh tranh chất lượng phục vụ nên các xe có thương hiệu không dám chở thêm người.
Đại tá Ngô Văn Chiến - trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết qua thực hiện đợt cao điểm tuần tra kiểm soát xe khách trước và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 31/1 đến nay các chốt tuần tra kiểm soát đã phát hiện khoảng 30 trường hợp xe khách vi phạm chở quá số người quy định nhưng phần lớn dư 1-3 người. Trong đó có hai trường hợp xe khách chở quá số người quy định với số lượng nhiều nên cơ quan chức năng đã buộc chủ xe phải sang khách qua xe khác để tiếp tục hành trình.
Chiều 4/2, CSGT tỉnh Đồng Nai kiểm tra lượng khách trên một chiếc xe chạy từ TP.HCM ra các tỉnh miền Trung - Ảnh: Ngô Thiên Phúc
Trong khi đó, trên quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa) đến ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom), nhiều người lao động, công nhân đổ ra đường bắt xe. Trong đó có nhiều điểm bến cóc, xe dù tập trung đông như khu vực hai bên cầu Suối Linh, trước siêu thị Lotte Đồng Nai, công viên vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa), ngã ba Trị An...
Xe tuyến ngắn tăng giá vượt trần
Những ngày qua vẫn có nhiều hành khách phàn nàn nhân dịp tết, các tuyến xe đường ngắn “vô tư” tăng giá bất chấp các quy định của Nhà nước.
Anh Phan Hồng Long, một người thường xuyên đi lại trên tuyến Nha Trang - Tuy Hòa của nhà xe Thuận Thảo (tỉnh Phú Yên), cho biết hãng này đã tăng giá vé vượt quá quy định của Nhà nước. “Tôi được biết theo quy định, dịp tết giá vé xe khách được phép tăng nhưng không quá 60% mức giá bình thường. Tuy nhiên, những ngày gần tết giá vé hành khách từ Tuy Hòa đi Nha Trang và ngược lại của xe chất lượng cao Thuận Thảo từ 70.000 đồng đã tăng lên 120.000 đồng, quá mức 60% đến 8.000 đồng/vé. Tôi cũng không hiểu được thường việc tăng giá vé để bù lỗ cho một chiều vắng khách, trong khi tuyến Tuy Hòa - Nha Trang và ngược lại có lượng khách ổn định thì sao lại tăng giá vé?”.
Chị Lê Thị Hồng, cũng là hành khách của Hãng Thuận Thảo, cho biết giá vé tuyến Tuy Hòa - Quy Nhơn từ sau 20 tháng chạp đã tăng lên mức 100.000 đồng, trong khi giá vé bình thường của tuyến này chỉ 60.000 đồng.
Ông Tô Kỳ Hỷ - giám đốc điều hành bến xe Thuận Thảo - cho biết đối với tuyến đường ngắn Tuy Hòa - Nha Trang và ngược lại, mức giá 120.000 đồng/lượt khách là bằng với mức doanh nghiệp đã xây dựng từ tết năm ngoái. “Đúng là so với quy định trong thông tư của liên bộ Tài chính - Giao thông vận tải và Tổng cục Thuế thì mức giá cho tuyến Tuy Hòa - Nha Trang và ngược lại và vé tuyến Tuy Hòa - Bình Định đã vượt quá 60% giá vé bình thường, nhưng chúng tôi phải làm tròn số. Chúng tôi tăng đều giá vé cả hai chiều của tuyến Tuy Hòa - Nha Trang và ngược lại để đảm bảo huy động đầu xe, vì lẽ ra xe chạy tuyến này không được ưu tiên bằng các tuyến đường dài trong dịp tết. Việc tăng giá các tuyến đường ngắn sẽ chấm dứt sau rằm tháng giêng” - ông Hỷ nói.
Đem thắc mắc trên đến ông Đỗ Duy Vinh - giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên, ông giải thích giá vé xe khách dịp lễ tết do các doanh nghiệp tự xây dựng, sau đó trình liên sở phê duyệt và doanh nghiệp áp dụng chứ cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào giá vé. Còn ông Dương Minh Trí - trưởng phòng quản lý công sản và giá Sở Tài chính - cho rằng một số doanh nghiệp vận tải xây dựng mức giá cước dịp tết nhỉnh hơn chút ít so với quy định của liên bộ.
Trong khi đó theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 4/2 Hãng xe Sinh Café cho biết giá vé tuyến Nha Trang - Huế tăng từ 498.000 đồng/lượt khách lên 828.000 đồng/lượt khách cũng vượt quá trần tăng giá theo quy định 28.000 đồng/lượt khách.
Sẽ đông khách vào 26, 27 tết
Ông Trần Hiếu, phó giám đốc bến xe Ngã Tư Ga (Q.12, TP.HCM), thông tin trong ngày 4/2 có 79 xe xuất bến đưa khoảng 3.000 khách về các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương... đón tết.
Theo ông Hiếu, lượng khách đến bến xe Ngã Tư Ga năm nay giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nguyên nhân khiến lượng khách năm nay đến bến xe này giảm là do học sinh, sinh viên được nghỉ sớm đã về quê trước. Bên cạnh đó, công nhân do chưa được phát lương nên họ chưa thể mua vé xe, sắm đồ về quê. Theo dự đoán, năm nay lượng khách đến bến xe Ngã Tư Ga tập trung đông vào ngày 6/2 (26 tháng chạp). Chúng tôi đã chuẩn bị 70 xe buýt để tăng cường, giải tỏa hành khách khi có nhu cầu” - ông Hiếu nói.
Tình hình tại bến xe miền Đông sáng 4/2 đông hơn những ngày trước. Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe miền Đông, cho biết do tâm lý của hành khách ai cũng muốn đến bến xe trước 3 - 4 giờ xe chạy để an tâm nên các ghế chờ trong bến kín chỗ. Nhưng thực tế lượng khách trong ngày chỉ đạt khoảng 41.000 lượt, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Hải, dự kiến ngày cao điểm năm nay là 26 và 27 tháng chạp với khoảng 54.000 lượt khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét