Có những trường hợp gương bị “vặt” ngay giữa đường đông đúc mà chủ xe đành bất lực. Một đôi gương thuộc các dòng xe sang như Mercedes-Benz hay BMW có giá chợ trời lên tới hàng chục triệu, biển số có giá vài ba triệu, vì thế tốn kém là điều không tránh khỏi.
Sở hữu một chiếc xe hơi là ước mơ của bất cứ ai, nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người khi có xe rồi lại thấy “chết khiếp” khi sở hữu chúng.
Khổ vì tắc đường
Nếu bạn sinh sống ở nông thôn hoặc các đô thị nhỏ thì có lẽ tắc đường chưa bao giờ là nỗi lo thường trực. Tuy nhiên, hãy trải nghiệm một ngày ở Hà Nội hay TP.HCM để thấm thía nỗi khổ khi dùng ô tô tại Việt Nam.
Tắc đường là "nỗi khổ" của người dân Hà Nội và TP.HCM.
Sáng tắc đường, trưa tan tầm tắc đường, chiều về lại tiếp tục… tắc đường! Khi tắc đường, những chiếc ô tô là những “nạn nhân” phải chờ đợi lâu nhất, bởi không có được sự linh động như xe gắn máy. Dù xe có điều hòa nhiệt độ, cửa kính kín mít không sợ khói bụi, nhưng cái giá phải trả là hàng giờ đồng hồ chờ đợi.
Anh Trần Trung Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội), người đang sở hữu một chiếc Kia Morning chia sẻ: “Tôi sống ở Thanh Xuân, làm việc ở Hoàn Kiếm. Sáng 8h bắt đầu làm việc thì 6h đã phải ra khỏi nhà. Loay hoay lái xe đưa con đến trường, rồi lại loay hoay thoát tắc chỗ nọ chỗ kia để đi làm. Đi làm bằng ô tô thì cứ xác định mất cả tiếng đồng hồ buổi sáng”.
Chị Nguyễn Hải Yến (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Mình tích góp mãi mới mua được cái xe, tưởng đi xe hơi là sướng, nào ngờ. Hôm nào lái xe về nhà mà cũng căng như dây đàn. Cả ngày làm việc về lái xe lại thêm ức chế vì tắc đường. Nào thì 'ông' xe máy tạt đầu, 'ông' xe tự chế cồng kềnh chen lấn, còi inh ỏi. Lúc đó chỉ muốn vứt quách cái ô tô đi thôi”.
Tìm chỗ đỗ xe - "khó như lên giời"
Ở thời buổi đất chật, người đông, chỗ ở còn chẳng có huống hồ đậu xe. Nếu chỉ có xe máy thì còn đỡ, vì ít ra nó cũng không chiếm diện tích lắm, nhưng ô tô thì lại là vấn đề khác. Không chỉ cần diện tích đậu xe, nó cũng cần có đường vào ra đủ rộng. Vì thế, những người có nhà trong hẻm hoặc phố nhỏ muốn sở hữu ô tô thì trước hết phải tìm được bãi đậu xe gần nhà, và chấp nhận ngày ngày đi bộ từ nhà ra bãi và ngược lại.
Tìm được chỗ đỗ xe là cả một kỳ công.
Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Cơ quan hoặc nơi công tác cũng phải có chỗ đậu xe thuận tiện. Ngoài ra, các nhà hàng, nơi mua sắm… cũng phải có chỗ đậu ô tô. Vì thế sau nỗi lo tắc đường, việc tìm được nơi đỗ xe phù hợp cũng khiến nhiều người “lao tâm khổ tứ”.
Anh Hoàng Anh, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, cho biết: “Giờ làm việc của tôi là 8h, nhưng hôm nào cũng phải có mặt từ 7h30 để tìm chỗ đậu xe. Công ty tôi ở cuối đường Nguyễn Huệ, đôi lúc phải đậu xe ở đường Hàm Nghi hay Lê Lợi rồi lội bộ cả cây số để tới chỗ làm việc, coi như không còn thời gian cho cà phê sáng. Một khi đã tìm được chỗ đậu rồi thì coi như phải để xe nằm chết đó từ sáng đến chiều, có chuyện cần đi đâu thì taxi, xe ôm, chứ xách xe mình ra thì coi như lúc về chỉ có nước về nhà luôn, vì còn chỗ nào nữa đâu mà đỗ!”.
“Chuyện đỗ xe ở nhà, chỗ làm đã khổ, có việc gì đó đi giao dịch thì còn 'nhục' hơn” - anh Nguyễn Anh Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) kể. “Có hôm ra ngân hàng rút tiền, đi tới dăm bảy điểm mà các điểm giao dịch nơi thì hết chỗ đỗ, nơi thì không có. Tìm được chỗ có thì kiểu gì cũng bị mấy anh, mấy chị ở đâu ra thu mấy chục tiền đậu xe. Đi ô tô đúng là quá khổ”.
Bị “vặt đồ” luôn là nỗi lo thường trực của các chủ xe, nhất là chủ xe “xịn”. Các chi tiết mà đạo chích hay nhắm đến nhất là đôi gương, biển số, cần gạt nước, logo và thậm chí cả bánh xe.
“Chả ở đâu như ở Việt Nam. Đỗ xe ngoài cổng nhà mình mà sáng ra mất 3/4 cái bánh. Tôi nghe nói, bọn chôm bánh xe chỉ mất vài phút để khiến 'bánh rời khỏi xe'. Nhà không đủ rộng để xây garage nên tôi phải đậu xe đêm ngoài cổng. Từ hồi mua xe ô tô cũng chả được ngủ ngon, cứ nghe lạch cạch, không đừng được lại phải phi dậy. Nhưng như thế cũng vẫn mất, xe tôi bị tháo bánh trong một đêm mưa. Xe với chả cộ, để hết lo ngay ngáy, thôi thì bán quách cái ô tô, đi xe máy cho lành”, anh Lê Huy Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) than vãn.
Vặt gương là tình trạng phổ biến nhất.
Có nhiều biện pháp để bảo vệ cho chiếc xe của mình như khắc mã số lên gương, gắn lưỡi dao lam vào kẽ gương, bắn đinh rút để giữ logo xe... đã được nhiều bác tài áp dụng, nhưng hiệu quả không cao. Đôi khi vì cay cú, đạo chích quay lại trả thù bằng cách đập vỡ cả kính xe. Nhiều người, do "chết khiếp" với ô tô, đã quay về với chiếc xe máy thân yêu và cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hết cả lo toan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét